Một số nội dung mới trong giáo trình kinh tế chính trị Mác-Lênin năm 2021

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014, về việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân và Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập Hội đồng biên soạn giáo trình Kinh tế chính trị Mác-Lênin theo tinh thần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học dành cho hệ cao đẳng sư phạm và đại học, tháng 9 năm 2021, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật đã xuất bản cuốn giáo trình dành cho hệ đào tạo cao đẳng sư phạm, đại học không chuyên lý luận chính trị.

Trên tinh thần đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục đại học, cuốn giáo trình Kinh tế chính trị Mác–Lênin năm 2021 được trình bày gồm 6 chương nhằm đáp ứng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với thời lượng 02 tín chỉ. So với các giáo trình đã từng xuất bản trước đây, giáo trình kinh tế chính trị Mác-Lênin lần này được trình bày theo thể thức mới nhằm phát huy những giá trị bền vững của kinh tế chính trị Mác-Lênin đồng thời nâng cao tính thiết thực đối với việc hình thành kỹ năng, tư duy, tầm nhìn của sinh viên khi tham gia hệ thống các hoạt động kinh tế xã hội sau khi tốt nghiệp.

Với mục tiêu như vậy, hệ thống các chương được thiết kế lôgíc theo nguyên tắc sư phạm của một cuốn giáo trình bậc đại học với hai mảng tri thức cơ bản của kinh tế chính trị Mác Lênin, đó là những tri thức kinh tế chính trị về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và những vấn đề kinh tế chính trị của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đối với chương 1, điểm mới trong chương này chính là nội dung về đối tượng nghiên cứu của kinh tế chính trị Mác-Lênin. Trước đây, trong các công trình nghiên cứu của kinh tế chính trị Mác–Lênin thuộc hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, hầu hết các nhà nghiên cứu chỉ nhấn mạnh đối tượng nghiên cứu của kinh tế chính trị Mác-Lênin là mặt quan hệ sản xuất, mà quan hệ sản xuất thì lại chỉ quy về quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức quản lý, quan hệ phân phối thu nhập. Cách hiểu này phù hợp với điều kiện nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, không thực sự sát với quan điểm của các nhà kinh điển của kinh tế chính trị Mác–Lênin và không thực sự phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường. Các nhà kinh điển khẳng định, kinh tế chính trị Mác-Lênin nghiên cứu mặt xã hội của sản xuất và trao đổi nghĩa là mặt xã hội của sự thống nhất biện chứng của cả sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng. Đây là quan điểm khoa học và phản ánh đúng với thực tiễn vận động của nền sản xuất xã hội có sự vận hành của các quy luật thị trường.

Trên cơ sở chương 1, chương 2 được trình bày gồm hai phần trọng tâm là hàng hóa, thị trường và vai trò của các chủ thể tham gia thị trường. Phần hàng hóa nhấn mạnh đến những vấn đề lý luận thuộc học thuyết giá trị của C.Mác, trong đó điểm mới đáng chú ý là làm sâu sắc hơn quan điểm của C.Mác về sự phong phú của các loại hàng hóa trong bối cảnh hiện nay, như dịch vụ, thương hiệu, chứng khoán. Phần thị trường và vai trò của các chủ thể tham gia thị trường cung cấp các tri thức căn bản về thị trường, cơ chế thị trường và các quy luật cơ bản của thị trường. Đây là sự bổ sung làm rõ hơn lý luận của C. Mác về thị trường trong bối cảnh hiện nay với trình tự logic về sự phát triển của nền kinh tế thị trường từ thấp đến cao.

Vì vậy, bước chuyển nền kinh tế hàng hóa giản đơn lên kinh tế hàng hóa phát triển mà cụ thể là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa đã được thể hiện trong chương 3 và chương 4 với các tri thức cơ bản về nguồn gốc, bản chất giá trị thặng dư, các phương pháp sản xuất giá trị thặng dư, quá trình vận động và làm tăng quy mô của tư bản, các hình thức của giá trị thặng dư trên thị trường; đặc điểm và tác động của thị trường cạnh tranh và độc quyền; bản chất, hình thức, cơ chế vận hành, vai trò và xu hướng lịch sử của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước.

Nội dung chương 5 được trình bày trong ba phần chính. Phấn thứ nhất về khái niệm và đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Cơ sở lý luận và tri thức tiền đề của nội dung này là hệ thống những tri thức đã được thể hiện và bổ sung một số điểm mới trong các chương trước. Phần thứ hai về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong nội dung này, tri thức mới về thể chế kinh tế được bổ sung để làm sâu sắc hơn lý luận kinh tế chính trị Mác–Lênin gắn với thực tiễn Việt Nam. Phần thứ 3, trình bày quan hệ lợi ích và bảo đảm hài hòa các quan hệ lợi ích trong phát triển ở Việt Nam.

Tiếp nối chương 5, chương 6 cung cấp hệ thống tri thức về công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam trong bối cảnh thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó đề cập đến những nội dung cơ bản như: khái quát lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp; khái quát về công nghiệp hóa và các mô hình công nghiệp hóa tiêu biểu; tính tất yếu và nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam. Phần nội dung này đặc biệt nhấn mạnh đến những quan điểm về phát triển kinh tế tri thức, chuyển đổi số gắn với các giải pháp thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngoài ra, chương 6 còn cung cấp một cách có hệ thống tri thức về hội nhập kinh tế quốc tế, tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và việc xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập-tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đây chính là cơ sở lý luận để hình thành tư duy về giải quyết các quan hệ lợi ích kinh tế giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới thông qua hội nhập kinh tế quốc tế – một nội dung quan trọng nhất của hội nhập quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Tài liệu tham khảo

Giáo trình Kinh tế chính trị Mác-Lênin (Dành cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị)

(Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng thường xuyên, 15/2/2022)

(Visited 215 times, 1 visits today)