Vai trò của nhà nước trong đảm bảo hài hòa các quan hệ lợi ích kinh tế trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
1.Khái niệm quan hệ lợi ích kinh tế và một số quan hệ lợi ích kinh tế cơ bản trong nền kinh tế thị trường
1.1.Khái niệm quan hệ lợi ích kinh tế
Quan hệ lợi ích kinh tế là sự thiết lập những tương tác giữa con người với con người, giữa các cộng đồng người, giữa các tổ chức kinh tế, giữa các bộ phận hợp thành nền kinh tế, giữa con người với tổ chức kinh tế, giữa quốc gia với phần còn lại của thế giới nhằm mục tiêu xác lập các lợi ích kinh tế trong mối liên hệ với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và kiến trúc thượng tầng tương ứng của một giai đoạn phát triển xã hội nhất định.
1.2.Một số quan hệ lợi ích kinh tế cơ bản trong nền kinh tế thị trường
– Quan hệ lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.
+ Người lao động: là người có đủ thể lực, có khả năng lao động ,khi họ bán sức lao động sẽ nhận được tiền lương tiền công và chịu sử quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.
+ Người sử dụng lao động: là chủ doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, là những người trả tiền cho những người lao động.
Sự thống nhất về lợi ích kinh tế giữa người lao động và người sử dụng lao động thể hiện: nếu người sử dụng lao động thực hiện các hoạt động kinh tế trong điều kiện bình thường họ sẽ thu được lợi nhuận, thực hiện được lợi íchkinh tế của mình; đồng thời, họ sẽ tiếp tục sử dụng lao động nên người lao động cũng thực hiện được lợi ích kinh tế của mình vì có việc làm, nhận được tiền lương.
Để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình, người lao động và người sử dụng lao động đã thành lập các tổ chức riêng. Công đoàn là tổ chức quan trọng nhất bảo vệ quyền lợi người lao động. Trong xã hội hiện đại, đấu tranh giữa các bên cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
– Quan hệ lợi ích giữa những người sử dụng lao động.
+ Những người sử dụng lao động có quan hệ lợi ích kinh tế chặt chẽ với nhau. Trong cơ chế thị trường, những người sử dụng lao động vừa là đối tác, vừa là đối thủ của nhau, từ đó tạo ra sự thống nhất và mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa họ.
+ Sự thống nhất về lợi ích kinh tế làm cho những người sử dụng lao động liên kết chặt chẽ với nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Quan hệ chặt chẽ về lợi ích kinh tế giữa những người sử dụng lao động làm cho họ trở thành đội ngũ doanh nhân. Trong cơ chế thị trường, đội ngũ này đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội nên cần được tôn vinh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.
Quan hệ đó được biểu hiện ra thành lợi nhuận bình quân mà họ nhận được, họ tham gia vào đội ngũ doanh nhân để đảm bảo lợi ích của họ.
– Quan hệ lợi ích giữa những người lao động.
Trong nền kinh tế thị trường, nhiều người muốn bán sức lao động. Để thực hiện lợi ích kinh tế của mình, người lao động không chỉ phải quan hệ với người sử dụng lao động, mà còn phải quan hệ với nhau. Nêu có nhiều người bán sức lao động, người lao động phải cạnh tranh với nhau. Hậu quả là tiền lương của người lao động bị giảm xuồng, một bộ phận người lao động bị sa thải.
Để hạn chế mâu thuẫn lợi ích kinh tế trong nội bộ, đặc trưng với những người sử dụng lao động, những người lao động đã thành lập tổ chức riêng. Sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người lao động trong giải quyết các mối quan hệ là rất cần thiết nhưng phải dựa trên các quy định của pháp luật.
– Quan hệ giữa lợi ích các nhân, lợi ích nhóm, lợi ích xã hội.
+ Trong cơ chế thị trường, cá nhân tồn tại dưới nhiều hình thức. Người lao động, người sử dụng lao động là thành viên của xã hội nên mỗi người đều có lợi ích cá nhân và có quan hệ chặt chẽ với lợi ích xã hội. Nếu người lao động và người sử dụng lao động làm việc theo đúng các quy định của pháp luật và thực hiện được các lợi ích kinh tế của mình, họ đã góp phần phát triển nền kinh tế, thực hiện lợi ích kinh tế của xã hội.
+ Khi lợi ích kinh tế của xã hội được thực hiện, xã hội phát triển sẽ tạo lập môi trường thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động thực hiện tốt hơn các lợi ích kinh tế của mình.
+ Lợi ích cá nhân là lợi ích của 1 thành viên trong xã hội khi tham gia vào hoạt động kinh tế.
+ Lợi ích nhóm: Là lợi ích của các cá nhân của tổ chức hoạt động trong cùng ngành cùng lĩnh vực có sự liên kết với nhau để thể hiện tốt lợi ích riêng
+ Lợi ích xã hội: Là tổng các lợi ích cá nhân. Lợi ích cá nhân được thực hiện sẽ làm phát triển nền kinh tế thực hiện được lợi ích kinh tế của xã hội.
2. Vai trò của nhà nước trong đảm bảo hài hòa các quan hệ lợi ích kinh tế trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Trong kinh tế thị trường, một trong những mâu thuẫn, xung đột xã hội bắt nguồn từ mâu thuẫn trong quan hệ lợi ích kinh tế giữa các chủ thể, như người lao động với người sử dụng lao động, giữa những người sử dụng lao động, giữa những người lao động với nhau… Nếu những mâu thuẫn này diễn ra quá căng thẳng hoặc không thể điều hòa có thể dẫn đến những bất ổn về mặt chính trị – xã hội như: đình công, bãi công…. Vì vậy, để bảo đảm hài hòa các lợi ích kinh tế giữa các chủ thể thì vai trò của Nhà nước là điều vô cùng cần thiết.
Thứ nhất, bảo vệ lợi ích hợp pháp, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động tìm kiếm lợi ích của các chủ thể kinh tế.
+ Giữ vững ổn định chính trị để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Điều này rất quan trọng, vì ổn định chính trị mới tạo sức hút cho các nhà đầu tư quốc tế yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh.
+ Xây dựng môi trường pháp luật thông thoáng bảo vệ được lợi ích chính đáng của các chủ thể kinh tế và của đất nước, đồng thời phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.
+ Nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng của nền kinh tế; có các chính sách phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế trong từng giai đoạn.
+ Nhà nước tạo lập môi trường văn hóa phù hợp với yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường (Ví dụ như : khuyến khích tính năng động, sáng tạo, kỷ cương, giữ chữ tín…).
Thứ hai, điều hòa lợi ích giữa cá nhân – doanh nghiệp – xã hội.
+ Trong kinh tế thị trường, do mâu thuẫn về lợi ích kinh tế và tác động của các quy luật thị trường, như quy luật cạnh tranh chẳng hạn; nên sự phân hóa về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư là tất yếu. Sẽ có bộ phận dân cư có thu nhập cao, ngược lại sẽ có bộ phận dân cư thu nhập thấp.
+ Sự phân hóa xã hội thái quá có thể dẫn đến căng thẳng, thậm chí xung đột xã hội. Sự phân tầng giai cấp xuất hiện, kéo theo hệ lụy đấu tranh giai cấp. Vì vậy, Nhà nước có các chính sách phân phối thu nhập nhằm đảm bảo hài hòa các lợi ích kinh tế giữa các chủ thể như: Thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệp, tiền lương tối thiểu, giáo dục và đào tạo, khoa học – công nghệ.
Thứ ba, kiểm soát, ngăn chặn các quan hệ lợi ích có ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển xã hội.
+ Lợi ích kinh tế được thực hiện qua kết quả phân phối thu nhập như: Tiền lương, tiền thưởng ….. Phân phối thu nhập công bằng hợp lý (ví dụ: trả công theo năng lực, theo thành quả lao động …) sẽ góp phần quan trọng đảm bảo hài hòa các lợi ích kinh tế, qua đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế, thúc đẩy xã hội phát triển. Do đó, Nhà nước tích cực, chủ động thực hiện công bằng trong phân phối thu nhập bằng các biện pháp như:
* Chăm lo đời sống vật chất cho mọi người dân.
* Đưa ra các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện và giúp đỡ người dân làm giàu hợp pháp.
* Xây dựng bộ máy nhà nước liêm chính, có hiệu lực để chống các hình thức thu nhập bất hợp pháp. Trước pháp luật, mọi người dân và cán bộ, công chức phải thực sự bình đẳng.
* Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm, qua đó ngăn chặn được các hình thức thu nhập bất hợp pháp.
– Giải quyết những mâu thuẫn trong quan hệ lợi ích kinh tế.
+ Mâu thuẫn giữa các lợi ích kinh tế là khách quan, nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến động lực của các hoạt động kinh tế. Do vậy, các cơ quan chức năng của nhà nước thường xuyên quan tâm phát hiện mâu thuẫn và chuẩn bị chu đáo các giải pháp giải quyết mâu thuẫn.
+ Nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn giữa các lợi ích kinh tế là phải có sự tham gia của các bên liên quan, có nhân nhượng và quan trọng nhất là đặt lợi ích đất nước lên trên hết.
Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng thường xuyên (20/4/2021)
(Visited 6.899 times, 1 visits today)