Một số tiêu chí đánh giá công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội cho học sinh trung học cơ sở

Hiện nay, công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH) cho học sinh trung học cơ sở (THCS) còn gặp nhiều khó khăn, TNXH có nguy cơ xâm nhập vào các trường ngày càng cao. Một phần nguyên nhân của thực trạng trên là do đội ngũ cán bộ, giáo viên trường THCS chưa có cơ sở lý luận cũng như chưa thực sự đầu tư đúng mức cho công tác này trong việc giáo dục quản lý nhà trường.

Vì vậy, việc đưa ra các tiêu chí nhằm đánh giá công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội cho học sinh THCS rất quan trọng. Bởi trên cơ sở đó có thể đưa ra các đánh giá, qua đó kiến nghị, đề xuất những biện pháp hữu hiệu nhất trong công tác phòng, chống TNXH xâm nhập vào nhà trường.

Một là, Nhận thức trách nhiệm, trình độ năng lực của các chủ thể và lực lượng tham gia tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh THCS.

Đây là tiêu chí có vai trò quan trọng hàng đầu trong xem xét đánh giá chất lượng công tác tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh THCS.

Nhận thức trách nhiệm, trình độ năng lực của các chủ thể và lực lượng tham gia ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh THCS. Khi đánh giá chất lượng tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh THCS trước tiên phải đánh giá về nhận thức, trách nhiệm, năng lực của chủ thể lãnh đạo, đó là cấp ủy, tổ chức Đảng, Ban Giám hiệu các nhà trường. Đánh giá, xem xét các chủ thể này nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh đến đâu; mức độ quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền phòng, chống TNXH của Nhà trường như thế nào; tính đúng đắn phù hợp của các chủ trương, biện pháp lãnh đạo ở mức độ nào; thực hiện chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng như thế nào.

Đối với chủ thể triển khai tổ chức thực hiện và lực lượng tiến hành tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh, phải đánh giá về nhận thức, thái độ, trách nhiệm, năng lực tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh THCS và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, báo cáo viên, tuyên truyền viên của các nhà trường.

Để tiến hành tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh THCS đạt chất lượng, hiệu quả đòi hỏi các chủ thể, lực lượng phải có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, kỹ năng tiến hành tuyên truyền phòng, chống TNXH. Nếu như phẩm chất, trình độ năng lực tốt, phương pháp, kỹ năng tuyên truyền khoa học, tinh thần trách nhiệm cao sẽ tác động tích cực đến chất lượng tuyên truyền phòng, chống TNXH, ngược lại, phẩm chất, trình độ năng lực hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu, tinh thần, trách nhiệm yếu sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh THCS.

Vì vậy, khi đánh giá chất lượng công tác tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh THCS phải đánh giá chính xác, khách quan về phẩm chất, trình độ kiến thức, năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh THCS của các chủ thể, lực lượng.

Hai là, Sự phù hợp và hiệu quả của nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh THCS

Nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện quyết định trực tiếp chất lượng công tác tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh THCS. Tiêu chí này được xem xét ở tính khoa học, phù hợp và hiệu quả của nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh THCS. Theo đó:

Nội dung tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh THCS phải bảo đảm tính khoa học, chuẩn xác khi truyền đạt các văn bản pháp luật; tính hợp lý giữa lượng kiến thức pháp luật chung với nội dung phổ biến, giáo dục riêng cho học sinh THCS; mức độ phù hợp, tính thiết thực của nội dung được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục với đối tượng là học sinh THCS.

Hình thức, biện pháp tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh THCS phải đa dạng, phong phú phù hợp với nội dung được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục; khả năng vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các hình thức, biện pháp phù hợp với đặc điểm học sinh THCS. Trong đó cần lưu ý việc tuân thủ những quy định về nội dung, hình thức, biện pháp do trên xác định, không được cắt xén, đồng thời biết vận dụng vào điều kiện, hoàn cảnh nhà trường, nhu cầu của học sinh để xác định nội dung, hình thức, biện pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm.

Ba là, Sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi phòng, chống TNXH của học sinh THCS

Kết quả công tác tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh THCS là sự thể hiện mục đích, vai trò của công tác tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh THCS trên thực tế. Cần đánh giá kết quả toàn diện công tác tuyên truyền phòng, chống TNXH cho học sinh THCS trên các mặt: Nhận thức, hiểu biết về các tệ nạn xã hội, hình thành ý thức pháp luật; niềm tin pháp luật và lối sống theo pháp luật; hành vi, thói quen xử sự đúng yêu cầu của pháp luật, quy định của nhà trường trong từng năm học, cấp học và trong các nhiệm vụ chung.

Khi đánh giá tiêu chí này cần đánh giá kết quả cụ thể: sự quan tâm của học sinh đối với hoạt động tuyên truyền phòng, chống TNXH ở nhà trường, tinh thần trách nhiệm trong tham gia các hoạt động tuyên truyền phòng, chống TNXH, kiến thức pháp luật mà học sinh lĩnh hội được sau quá trình tuyên truyền, giáo dục, kết quả kiểm tra và tham gia các cuộc thi, tìm hiểu (nếu có); ý thức tổ chức và chấp hành pháp luật, kỷ luật và quy định của học sinh; tinh thần đoàn kết, gắn bó trong lớp học, nhà trường giữa các học sinh, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ khi được giao.

Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng thường xuyên

(Visited 29 times, 1 visits today)