Tìm hiểu một số yếu tố đảm bảo hoạt động truyền thông thương hiệu trường đại học

Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, vấn đề toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế và chủ trương xã hội hóa giáo dục đã tạo ra một sự cạnh tranh lớn giữa các trường đại học. Vì vậy, hoạt động truyền thông thương hiệu không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh doanh, mà còn có hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục đại học đặc biệt là đối với các trường đại học. Việc nắm bắt xu thế phát triển về mặt lý luận và thực tiễn của truyền thông, ưu thế của công nghệ, các nguồn lực, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông thương hiệu trở thành vấn đề rất cần thiết đối với các trường đại học.

– Yếu tố kinh tế-xã hội

Giáo dục đại học là một trong những lĩnh vực hoạt động của đời sống kinh tế xã hội, vì thế, để hoạt động truyền thông thương hiệu trường đại học có hiệu quả, cần phải nhìn nhận và đánh giá đúng sự tác động của các yếu tố này.

Trước tiên, sự phát triển của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển giáo dục đại học. Ở các nước có nền kinh tế lớn mạnh, các yếu tố phúc lợi xã hội cho người dân luôn được quan tâm và đáp ứng đầy đủ. Giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng là một trong những quyền lợi cơ bản của nhân dân.

Nền kinh tế phát triển sẽ đầu tư ngân sách và cơ sở vật chất để ngành giáo dục đại học từng bước hoàn thiện cả về chất và lượng. Mọi hoạt động nghiên cứu, cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy, đổi mới chính sách, quy định đều cần được đầu tư kinh phí để triển khai thực hiện. Ngoài ra, kinh tế lớn mạnh cũng sẽ giúp cải thiện về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng gồm đường truyền, hệ thống máy móc và công nghệ để hoạt động truyền thông thương hiệu trường đại học phát triển hơn. Kinh tế phát triển cũng sẽ góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, tạo điều kiện để người dân tiếp xúc với các phương tiện truyền thông hiện đại. Từ đó, hoạt động truyền thông thương hiệu trường đại học sẽ được thực hiện hiệu quả và có phạm vi lan truyền rộng rãi đến công chúng.

 – Yếu tố công nghệ thông tin và khoa học công nghệ

Thứ nhất, sự phát triển của truyền thông trực tuyến. Trong những năm gần đây, Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ nhanh chóng của Internet. Do vậy, các nhà truyền thông đã thử nghiệm các phương thức truyền thông xã hội, áp dụng các phương thức vào các chiến lược truyền thông một cách đầy đủ. Các mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, Tiktok… đang là những công cụ chính mà các nhà truyền thông sử dụng để truyền thông thương hiệu. Bên cạnh đó, sử dụng video, clip cho mục đích truyền thông thương hiệu trên các mạng xã hội đang là xu hướng được các trường đại học sử dụng. Gần như tất cả nền tảng mạng xã hội đều tích hợp khả năng đăng tải video, clip vào tính năng chính. Do đó, xu hướng nổi bật hiện nay là tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng của truyền thông qua video, clip, bởi nó có tính hữu ích và có ảnh hưởng tới việc củng cố thương hiệu của các trường đại học trong tâm trí người xem.

Thứ hai, sự bùng nổ của các thiết bị di động. Cùng với sự phát triển của truyền thông xã hội, sự hứng thú với xu hướng truyền thông thương hiệu trên di động đang bùng nổ theo sát sự thành công của thế hệ điện thoại thông minh như: IPhone và iPad của Apple, hệ điều hành Android của Google. Điện thoại thông minh ngày càng thu hút nhiều người sử dụng, do đó truyền thông trên di động đang phát triển ngày một mạnh mẽ nhờ vào tốc độ kết nối Internet ngày càng nhanh hơn nhờ sự phát triển của các mạng tốc độ cao từ 3G cho đến 5G. Các thiết bị di động sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các trường đại học muốn xây dựng và quảng bá thương hiệu một cách có hiệu quả trong thời gian tới.

Thứ ba, sự phát triển của khoa học công nghệ. Công nghệ đang làm thay đổi khả năng thu thập và quản lý dữ liệu cho hoạt động truyền thông. Từ các bài viết trên Facebook tới các kết quả trên Google, một người bình thường càng ngày tiếp xúc nhiều với các dữ liệu truyền thông được cá nhân hóa theo sở thích và hành vi. Cùng với đó là rất nhiều thiết bị và cách thức phân phối khác nhau trên thị trường như máy tính, điện thoại, máy tính bảng, gần đây xuất hiện các công nghệ hiện đại như thực tế ảo, thực tế tăng cường nhằm tăng trải nghiệm cho người dùng và bắt đầu được các nhà truyền thông ứng dụng ngày càng rộng rãi. Vì vậy, công nghệ sẽ đóng vai trò ngày càng mạnh mẽ trong lĩnh vực truyền thông trong thời gian tới.

– Yếu tố tài chính và con người

Để có được những hoạt động truyền thông thương hiệu đạt hiệu quả thì nguồn nhân lực chính là cốt lõi của sự thành công. Vì vậy, đội ngũ truyền thông thương hiệu phải thực sự am hiểu, nhạy bén và sáng tạo trong việc thiết kế các nội dung và hình thức phù hợp với từng thời điểm trước khi bắt đầu một chiến dịch truyền thông.

Bên cạnh nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính cũng rất quan trọng đối với hoạt động truyền thông thương hiệu của các trường đại học. Bởi nguồn lực tài chính sẽ cho biết được khả năng chi tiêu phục vụ cho việc triển khai, duy trì và phát triển các hoạt động truyền thông thương hiệu.

Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng thường xuyên (17/11/2021)

(Visited 15 times, 1 visits today)