Một số sửa đổi về chứng chỉ bồi dưỡng với công chức, viên chức theo Nghị định 89
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Theo quy định hiện hành, chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gồm:
– Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức;
– Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý;
– Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành.
Ví dụ, theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên ở các cơ sở giáo dục công lập hiện nay giáo viên ở các cấp phải có ít nhất 1 trong 2 chứng chỉ là chứng chỉ hạng I, II, II, tương ứng với bậc lương và hạng đang giữ. Để cụ thể hơn về Quy định này, đầu tháng 2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chùng Thông tư 01, 02, 03, 04 Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.
Tuy nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng các chứng chỉ bồi dưỡng với công chức và viên chức vẫn còn một số bất cập. Do vậy, Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết.
Theo đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu cấp chứng chỉ các chương trình bồi dưỡng được giao thực hiện.
– Viên chức có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật được sử dụng thay thế chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tương ứng.
– Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã sử dụng trên phạm vi toàn quốc. Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể về quản lý, sử dụng và mẫu chứng chỉ.
Như vậy, so với Nghị định 101/2017/NĐ-CP, Nghị định 89/2021 không liệt kê các chứng chỉ chương trình bồi dưỡng công chức, viên chức.
Trong Điều khoản thi hành của Nghị định 89 nêu rõ Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2021. Còn đối với Cán bộ, công chức, viên chức có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định này.
Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng thường xuyên (15/11/2021)