Một số hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về triển khai thực hiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên
Nhằm giải đáp những thắc mắc của giáo viên trong Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT- BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm xếp lương giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn 971/BGDĐT – NGCBQLGD.
Theo đó, việc bổ nhiệm vào các hạn chức danh nghề nghiệp ở từng cơ sở giáo dục phải đúng người đúng việc, bảo đảm các yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở từng hạng. Cụ thể:
– Đối với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III, những đối tượng sau đây cần phải có:
+ Giáo viên mầm non, tiểu học được tuyển dụng sau ngày 20.3.2021 và giáo viên mầm non hạng III cũ được ở nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới, giáo viên tiểu học hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III mới.
+ Giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông được tuyển dụng sau ngày 20.3.2021.
+ Những trường hợp không thuộc đối tượng nêu trên, theo Công văn 971 chưa yêu cầu bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III theo Thông tư 01, 02, 03, 04.
+ Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có giá trị thay thế trong trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập thay đổi chức danh nghề nghiệp ở cùng hạng (giáo viên ở cấp học này chuyển sang cấp học khác cùng hạng chức danh nghề nghiệp).
– Đối với chứng chỉ bồi dưỡng bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II, hạng III, giáo viên tiểu học hạng II, hạng III, giáo viên trung học cơ sở hạng I, hạng II, giáo viên trung học phổ thông hạng I, hạng II quy định tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23 được công nhận là tương đương với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng tương ứng quy định tại các Thông tư 01, 02, 03,04.
Do đó, trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng cao hơn hạng hiện giữ thì sẽ được sử dụng trong việc thăng hạng sau này, đồng thời cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hàng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới.
Ví dụ: giáo viên trung học cơ sở hạng II chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II nhưng đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I, thì phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II để bảo đảm đủ điều kiện theo quy định;
Còn chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I giáo viên đã có sẽ được sử dụng để đăng kí dự thi/xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I.
Trong Công văn 791, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn yêu cầu các Sở GDĐT báo cáo phương án triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trước ngày 30/6/2021 và kết quả bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên trước ngày 31/12/2021.